Dưới tác động của chính sách khuyến khích, hàng tỷ USD đang được đổ vào ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam.Trên phạm vi rộng hơn, tổng quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000 MW. Trong đó, khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000 MW đã được chấp thuận đầu tư.
Có thể kể tên các dự án điện mặt trời đình đám hiện nay như dự án tại huyện Thuận Bắc, do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư (với vốn lên đến 5.000 tỷ đồng, ở quy mô 204 MW). Hay dự án dự án 168 MW, giá trị 4.400 tỉ đồng do liên doanh CMX Renewable cùng đối tác Singapore thực hiện…
Đi cùng đầu tư sôi động vào ngành năng lượng mặt trời là nhu cầu sử dụng tấm pin dự đoán sẽ gia tăng. Trước mắt, Bắc Giang là tỉnh có quy mô sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, với 8 dự án thuộc những tập đoàn Tier 1 đã được cấp phép, cho tổng công suất 5200 MW/năm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, mới chỉ các doanh nghiệp nước ngoài như Canadian Solar, Sharp, Trina Solar, First Solar, JA Solar.. là chen chân vào được miếng bánh này. Các công ty Việt Nam như SolarBK, Mặt Trời Đỏ. .. vẫn khó lòng thắng thầu trong các cuộc đấu thầu cung cấp tấm pin cho các dự án lớn. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở tiêu chí Tier 1.
Hiểu đúng về tiêu chuẩn Tier 1
Hầu hết các chủ đầu tư dự án điện mặt trời đều lấy Tier 1 là tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp tấm pin. Đây là chuẩn xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất của Bloomberg New Energy Finance (BNEF) dành cho các doanh nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời trên thế giới.
Để đạt được chuẩn Tier 1 này, trong vòng 2 năm các doanh nghiệp phải có ít nhất 6 đơn hàng, được 6 bảo lãnh từ các ngân hàng khác nhau. Trong đó, mỗi đơn hàng có công suất trên 1,5 MWp và sản phẩm phải được sản xuất, thương mại dưới tên chủ sở hữu.
Có thể thấy, các tiêu chí xếp hạng Tier 1 nghiêng về hoạt động thương mại nhiều hơn, khi xét xếp hạng dựa trên các yếu tố như đơn hàng, giá trị đơn hàng, thương hiệu, bảo lãnh từ ngân hàng. Căn cứ những tiêu chí này, theo BNEF, chỉ khoảng 2% doanh nghiệp trên thế giới đạt tiêu chuẩn Tier 1.
Đáng chú ý, dưới sự nâng đỡ giúp sức của cơ quan quản lý, như ra sức thu hút đầu tư vào năng lượng mặt trời, triển khai tín dụng cởi mở, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã dễ dàng đạt được các yêu cầu về bảo lãnh, đơn hàng lớn. Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều doanh nghiệp đạt Tier 1 nhất.
Việt Nam trái lại, chỉ mới chú ý đến ngành năng lượng mặt trời vài năm trở lại đây. Chính vì thế, các ngân hàng vẫn còn “ngập ngừng” trong vấn đề nhận bảo lãnh và trong một thị trường còn mới mẻ, yêu cầu đơn hàng giá trị 1,5 MWp được xem là thách thức cho các công ty nội địa.
Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nào đạt chuẩn Tier 1.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng IREX (Một thành viên của SolarBK) cho biết, xét về chất lượng, tấm pin năng lượng mặt trời IREX đạt đủ các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn Mỹ (do CSA, UL cấp) lẫn tiêu chuẩn châu Âu (CE, TUV cấp), tương đương với chất lượng các tấm pin của các công ty Tier 1. Thậm chí thời gian trước đây, IREX còn gia công nhiều đơn hàng nhận lại từ các công ty Tier 1.
Có một thực tế là, các công ty Tier 1 thường có quy mô lớn tính hàng MW, nên chỉ đáp ứng những đơn hàng sản lượng lớn vì chi phí vận hành khá cao. Còn những đơn hàng nhỏ, họ thường đưa một bên khác gia công để “giữ khách”.
Đối với thị trường Việt Nam còn tương đối mới, sử dụng pin mặt trời của các doanh nghiệp trong nước như IREX sẽ có ưu thế hơn về giá, chất lượng và chủ động được thời gian triển khai.
Mục tiêu Tier 1 của các doanh nghiệp Việt
Công ty IREX cho biết đang hướng đến mục tiêu đạt Tier 1 vào năm 2020. Với doanh thu đến 70% từ bán tấm pin ra thị trường các nước, Tier 1 là điều kiện bắt buộc để IREX gia nhập cuộc chơi toàn cầu cùng các “đại gia”, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu pin mặt trời “Made in Việt Nam” trên thế giới.
Mặt khác, nhìn lại thị trường Việt với sự đổ bộ của các “Tier 1”, doanh nghiệp Việt như IREX bắt buộc phải nâng tầm mình lên để giữ vị thế trên sân nhà.
Hiện tại, công ty IREX đã làm việc và thuyết phục được 3 ngân hàng đồng ý bảo lãnh các đơn hàng. Phía IREX tin tưởng con số này sẽ còn tăng lên khi ngành năng lượng mặt trời ngày càng được chú ý.
Đối với yêu cầu đơn hàng giá trị lớn (1,5 MWp), phía doanh nghiệp đang tích cực mở thêm các chi nhánh, văn phòng đại diện tại các nước, như văn phòng tại Nam Kinh (Trung Quốc) – được xem là thủ phủ pin mặt trời, sắp tới sẽ mở thêm một số kho hàng tại khu vực châu Âu, đồng thời tham gia các hoạt động triển lãm tại Đức, Ấn Độ, v.v…
Về quy mô sản xuất, công ty IREX đã hoàn thiện giai đoạn 1 của Tổ hợp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao và đạt dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời tự động hóa 100%. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hoàn thiện để đạt tổng công suất lên 500 MW.
“Đã qua rồi cái thời các doanh nghiệp Việt sử dụng hình ảnh dân tộc để gia tăng thị phần nội địa. Đây là sân chơi của thế giới phẳng, chúng ta nói chuyện với nhau bằng chất lượng thông qua các chứng nhận Quốc tế, và thuyết phục khách hàng bằng sự trung thực và thẳng thắn. Dù nói thế nào, Tier 1 vẫn có uy tín rất lớn trong ngành, là cột mốc mà IREX phải làm được trong năm 2020”, Giám đốc khối kinh doanh Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK Holdings), cho biết.